38.000 công trình dừng hoạt động vì không đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy
Chiều 4/7, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã trả lời một số câu hỏi của các phóng viên liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) và thị trường bất động sản.
Tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các công trình trở lại hoạt động
Về quy định PCCC, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, đây là vấn đề rất phức tạp mà Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đang rà soát, tham mưu sửa đổi từ luật, các nghị định, các văn bản pháp lý có liên quan để giải quyết.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian vừa qua Bộ Công an đã rà soát tất cả các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, cả nước có khoảng 1.182.720 công trình. Trong đó có khoảng 38.000 công trình, chiếm tỷ lệ 3,22% đã đi vào hoạt động nhưng không đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Do đó, các công trình này phải dừng hoạt động và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phục hồi cung ứng dịch vụ hàng hóa, ảnh hưởng tới việc làm của một bộ phận lao động.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn |
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất và chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các công trình này, bằng việc đưa ra các giải pháp về tăng cường, bổ sung, nâng cao khả năng PCCC để sớm đưa công trình trở lại hoạt động.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an dự thảo dưới hình thức nghị quyết của Chính phủ để giải quyết vướng mắc này. Hiện Bộ Xây dựng đã hoàn thành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hoàn thành dự thảo nghị quyết, xin ý kiến của 18 bộ, ngành, 4 địa phương, 4 hiệp hội.
Ngày 28/6/2023, Bộ Xây dựng đã có tờ trình thứ 30 trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị quyết và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để sớm triển khai được nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các công trình hiện hữu.
Liên quan đến Quy chuẩn 06 về PCCC với nhà và công trình có hiệu lực từ tháng 1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay qua đánh giá có nơi hiểu và áp dụng chưa đúng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là Quy chuẩn 06 là quy chuẩn khó, kỹ thuật phức tạp.
Bộ Xây dựng với tinh thần cầu thị tiếp thu đã nghiên cứu rất cẩn trọng các ý kiến đóng góp của các địa phương và các bộ, ngành qua quá trình khảo sát cũng như các văn bản, đặt ra các mục tiêu, trước tiên sẽ ban hành sớm các hướng dẫn Quy chuẩn 06 để làm sao để hiểu đúng, áp dụng đúng trong quá trình thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn khẳng định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 |
Tìm giải pháp tháo gỡ cho một số dự án của Novaland, Hưng Thịnh
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã thông tin về kết quả tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trong thời gian vừa qua.
Theo Thứ trưởng, qua rà soát đánh giá ở một số địa phương trọng điểm, nổi lên 3 nhóm khó khăn vướng mắc. Đó là vướng mắc về thể chế; vướng mắc về tổ chức, thực hiện và vướng mắc về vấn đề vốn.
Từ kết quả rà soát, Tổ công tác đã có nhiều khuyến nghị, đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ vừa qua ban hành rất nhiều văn bản, trong đó có Nghị quyết 33 về giải quyết những khó khăn vướng mắc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững và một loạt công điện.
Đối với nhóm vấn đề thể chế, trong quý II vừa qua Chính phủ có ban hành một loạt văn bản, trong đó có Nghị định về việc chào bán giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai và gần đây nhất ngày 20/6 có Nghị định 35 hướng dẫn một số vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế nhà nước.
Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác làm việc trực tiếp để trao đổi. Trong đó, có nhiều dự án, ở một số địa phương đang rất được quan tâm như các dự án bất động sản lớn ở Đồng Nai, trong đó có của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh… Các dự án này gặp vướng mắc chủ yếu liên quan việc không thuộc quy hoạch, không bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Qua các cuộc làm việc, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã thống nhất với các phương án tham mưu của Tổ công tác để triển khai trong thời gian tới.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị, trong đó có 10 kiến nghị về nhà ở xã hội, 10 kiến nghị về cải tạo chung cư và 4 nội dung về quy hoạch. Về cơ bản, một số kiến nghị thuộc về những lĩnh vực mà địa phương hiểu và chưa áp dụng pháp luật một cách đầy đủ.
Liên quan đến các vướng mắc, khó khăn của dự án của tập đoàn Novaland tại Phan Thiết, Bình Thuận, Tổ công tác cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đánh giá chung, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng thời gian vừa qua, các địa phương rất tích cực thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên do thời gian chưa nhiều và những vấn đề tồn tại vướng mắc có quá trình khá dài nên cần có thêm thời gian để tập trung giải quyết./.
Theo Thời báo Tài chính.
Bài viết cùng danh mục
-
Chấn chỉnh việc sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố
-
SIẾT CHẶT HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN
-
Từ 1/1/2025, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do
-
ĐẤT VÀNG GROUP CHÍNH THỨC VẬN HÀNH KHAI THÁC CHO THUÊ CĂN HỘ GOLDEN BAY ĐÀ NẴNG
-
CHỈ CÒN 1 NGÀY NỮA LÀ LỄ KÝ KẾT KHAI THÁC KINH DOANH VÀ CHO THUÊ SẼ CHÍNH THỨC DIỄN RA!!!
-
Cần có quy định trong Luật Nhà ở về hoạt động quản trị tòa nhà chung cư
-
Điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ đầu tư cố tình vi phạm PCCC
-
TP. Hồ Chí Minh: Hàng chục chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy
-
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều dự án BĐS cao tầng sẽ được kiểm tra chất lượng, an toàn thi công
-
Quốc hội lập đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản