SIẾT CHẶT HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN
Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và người mua, việc minh bạch hoạt động môi giới Bất động sản đang được siết chặt. Điều này đảm bảo thị trường BĐS hoạt động an toàn và lành mạnh hơn.
Nhiều điểm mới quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 (sửa đổi) theo hướng siết chặt hơn hoạt động môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản thiếu chứng chỉ hành nghề
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Hiệp hội BĐS Việt Nam - VNREA), Việt Nam hiện có khoảng 300.000 cá nhân môi giới đang hoạt động tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, còn lại chủ yếu hoạt động với vai trò kết nối thực hiện giao dịch BĐS. Tìm hiểu thực tế tại các sàn giao dịch BĐS, công ty môi giới nhà đất tại các địa phương, hầu hết các môi giới là cá nhân hành nghề tự do, tự phát, không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan Nhà nước nào.
Đáng chú ý, do môi giới BĐS thiếu chuyên nghiệp, thiếu trung thực, thu phí dịch vụ cao (từ 2 - 3% giá trị BĐS của người bán và khoảng 1 - 2% người mua), cộng với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm dễ dàng trên mạng xã hội, các trang web mua bán nhà đất nhằm tìm kiếm khách hàng như: Đăng nhà giá ảo không bán nha thật; đăng thông tin giao bán nhà này, nhưng lại sử dụng hình ảnh nhà khác; giao bán nhà tại một dự án, nhưng tư vấn cho khách hàng mua nhà tại dự án khác… hoạt động môi giới BĐS thời gian qua đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm mất niềm tin nhà đầu tư, mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính.
Mặc dù đã có các quy định xử phạt các cá nhân môi giới vi phạm, nhưng việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có “rào cản” khi gia nhập hoặc rút lui. Thực tế này cho thấy cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án BĐS, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch BĐS; đặc biệt là khẳng định hoạt động môi giới BĐS là một ngành nghề trong xã hội.
Luật hóa hoạt động môi giới bất động sản
Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới siết chặt hoạt động môi giới BĐS. Điều 61 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay. Điều 48 Luật này yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, thù lao, hoa hồng của môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng để kiểm soát công khai, minh bạch và giúp Nhà nước chống thất thu thuế…
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, những quy định mới sẽ loại bỏ môi giới BĐS không chuyên, tạo môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.
Còn TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA nhận định, để thích nghi với các quy định siết chặt của Luật Kinh doanh BĐS mới, môi giới BĐS cần nắm vững các quy định pháp luật mới liên quan đến thị trường BĐS để áp dụng đúng, trau dồi kiến thức đàm phán giao dịch, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc, tham gia các sự kiện của ngành BĐS thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội mới trong các phân khúc thị trường BĐS khác nhau…
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023. Theo dự thảo, Bộ Xây dựng ủy quyền cho các đơn vị Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, VNREA, Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Dự kiến, các kỳ thi này đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng chậm nhất 2 tháng trước kỳ thi.
“Luật Kinh doanh BĐS 2023 quy định rõ việc các cá nhân không được phép hoạt động môi giới BĐS tự do, bắt buộc người hoạt động môi giới phải có đầy đủ năng lực thông qua chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Điều này giúp tạo điều kiện sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường, để thị trường chỉ còn những môi giới BĐS chuyên nghiệp, có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm”, TS Nguyễn Văn Đính cho biết.
Theo Báo Mới
Bài viết cùng danh mục
-
Chấn chỉnh việc sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố
-
Từ 1/1/2025, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do
-
ĐẤT VÀNG GROUP CHÍNH THỨC VẬN HÀNH KHAI THÁC CHO THUÊ CĂN HỘ GOLDEN BAY ĐÀ NẴNG
-
CHỈ CÒN 1 NGÀY NỮA LÀ LỄ KÝ KẾT KHAI THÁC KINH DOANH VÀ CHO THUÊ SẼ CHÍNH THỨC DIỄN RA!!!
-
Cần có quy định trong Luật Nhà ở về hoạt động quản trị tòa nhà chung cư
-
38.000 công trình dừng hoạt động vì không đáp ứng quy định về phòng cháy chữa cháy
-
Điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ đầu tư cố tình vi phạm PCCC
-
TP. Hồ Chí Minh: Hàng chục chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy
-
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều dự án BĐS cao tầng sẽ được kiểm tra chất lượng, an toàn thi công
-
Quốc hội lập đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản